Trong cuộc sống hàng ngày, chữ ký là một phần không thể thiếu cho dù bạn là Sếp, cán bộ, công chức, hay học sinh, sinh viên. Bạn có thể thấy có những chữ ký rất đẹp và phong cách, nhưng cũng không ít chữ ký chưa được đẹp, bởi vì chữ ký không phải hoàn toàn tự nhiên mà có, để có một chữ ký đẹp, ý nghĩa chúng ta vẫn nên nghiên cứ, sáng tạo, tập luyện để tạo nên.
Bút ký cao cấp Hà Nội trân trọng giới thiệu với bạn bài viết "Cách tạo ra chữ ký ấn tượng" được đăng trên website wikihow. Hi vọng qua bài viết này chúng ta sẽ tìm cho mình một chữ ký đẹp và ấn tượng nhất.
1. Phân tích Chữ ký
* Xem lại chữ ký hiện tại của bạn: Hãy tự hỏi bản thân xem bạn thích nhất điều gì ở kiểu ký tên của mình và chỗ nào cần phải cải thiện. Nhìn vào những chữ cái làm nên tên bạn và nghĩ về cách làm nổi bật chúng: chú ý những ký tự cầu kì (với nhiều nét cong, dấu chấm và gạch như G, X hay B) và các chữ đơn giản (đặc biệt là nếu chúng trông giống nhau cả khi viết hoa lẫn viết thường ví dụ S hoặc O). Tìm những vị trí có thể trở thành tâm điểm của chữ ký.
* Cân nhắc xem bạn muốn chữ ký nói lên điều gì về mình: Một chữ ký đơn giản và rõ ràng sẽ dễ đọc, nhưng chữ ký phức tạp sẽ thể hiện được sự tinh tế. Càng nhiều đường nét uốn lượn trong chữ ký sẽ khiến bạn càng có vẻ hoa mỹ. Hãy nghĩ về những điều mà chữ ký của mình sẽ phản ánh. Bác sĩ thường rất bận nên ký tên rất vội vã và khó nhìn, trong khi những nhà văn nổi tiếng thường dành nhiều thời gian để thiết kế một chữ ký cầu kỳ.
Chữ ký thường gồm những chữ cái đầu của tên (có thể không có tên đệm), đa số mọi người ký như vậy vì nó trông có vẻ chuyên nghiệp hơn so với việc chỉ viết đầy đủ họ và tên ra giấy.
Nếu bạn lo lắng về vấn đề giả mạo chữ ký, hãy tạo một chữ ký dài và rõ ràng, bao gồm họ và tên viết liền nhau. Hãy chắc chắn rằng nó rõ ràng. Giả mạo một chữ ký nguệch ngoạc sẽ dễ hơn việc sao chép sắc thái của một chữ ký rành mạnh được luyện tập nhiều.
* Suy nghĩ về việc bạn muốn đưa phần nào của tên mình vào chữ ký: Một số người ký đầy đủ họ, tên và tên lót, một số khác chỉ ký họ cùng với tên. Có người chỉ thích sử dụng chữ cái đầu của mỗi thành phần trong tên của mình. Nếu bạn chỉ được biết đến nhờ tên của mình – như Beyonce hay Ronaldo – thì có thể cân nhắc việc ký mỗi tên. Còn nếu bạn là một giáo sư quen sử dụng họ của mình thì hãy dùng nó làm chữ ký.
* Lấy cảm hứng từ những chữ ký khác: Hãy tham khảo chữ ký của những người nổi tiếng và lựa chọn xem bạn muốn mô phỏng ai. Tăng Thanh Hà, Mỹ Linh hay Phương Thanh (và nhiều sao Việt khác) đều sở hữu chữ ký rất đẹp mắt. Đừng ngần ngại bắt chước những yếu tố độc đáo để tạo nên chữ ký của riêng mình.
2. Luyện tập Chữ ký
* Thử nghiệm: Tập đi tập lại cho đến khi tìm ra được cách ký khả thi. Hãy thư giãn và thử nhiều kiểu, nhiều cách uốn lượn. Lựa chọn xem ký như thế nào thì bạn cảm thấy thoải mái, chữ ký trông đẹp mắt hơn và không quá khó khăn khi phải ký nhiều lần. Sử dụng công cụ nào để viết cũng được, miễn là tiện lợi cho bạn. Hãy cân nhắc việc dùng bút chì vì bạn có thể xóa đi và ký lại.
* Nhấn mạnh một số chữ: Bạn hãy viết sao cho có một chữ cái lớn hơn những chữ còn lại nhằm tăng sự nổi bật, hoặc làm cho mẫu tự đó nhỏ lại để tạo sự hài hòa. Điều này có thể giúp chữ ký trở nên bắt mắt mà không làm chậm đi tốc độ thao tác. Thử cường điệu hóa chữ cái đầu của tên hay cả họ và tên lên một chút.
Nếu chữ ký của bạn uốn lượn và rối mắt, hãy nhấn mạnh một chữ cái bằng cách làm nó trở nên sắc sảo, rõ nét. Tương tự, với chữ ký đơn giản và rõ ràng thì bạn nên tạo một con chữ khác đi, bay bổng và tinh tế hơn.
* Gạch dưới chữ ký của bạn để tạo điểm nhấn: Đây là một cách cổ điển làm cho tên chúng ta trông trang trọng hơn. Gạch chân có thể làm bạn ký tên lâu hơn một chút so với kiểu thông thường – vì thế hãy cân nhắc kỹ.
Thêm nét gạch dưới bằng cách kéo dài một trong những chữ cái. Đa số thường sử dụng mẫu tự cuối cùng, nhưng hãy thoải mái uốn lượn bất cứ chữ nào tùy thích để tạo phong cách riêng của bạn. Những chữ cái có nét móc đuôi dài (y, g, j) là gợi ý hay. Hãy kéo dài nét móc ấy bên dưới chữ ký để tạo thành đường gạch chân.
Gạch dưới chữ ký của bạn bằng đường lượn sóng. Đây là một cách bay bướm và hoa mỹ để thêm chút gia vị vào chữ ký.
Gạch dưới chữ ký của mình bằng những đường chữ chi (chữ Z). Cách này cũng giống như sử dụng đường lượn sóng nhưng chữ ký của bạn sẽ trông gai góc hơn nhiều.
* Dùng kiểu chữ "xưa cũ": Áp dụng cách viết nét thanh nét đậm và kết thúc chữ ký bằng những đường nối hay móc. Nếu có thể, bạn nên sử dụng bút máy. Hãy lấy cảm hứng từ chữ thư pháp, chữ ký ngày xưa và mẫu tự Gô-tích. Điều này góp phần tạo nên sự tinh tế, kể cả đối với chữ ký đơn giản.
* Thêm vào những nét uốn lượn để chữ ký của bạn trông đẹp mắt: Đây là một cách hay để tạo cá tính độc đáo cho mình. Hãy tìm những mẫu tự mà bạn có thể mượn nét của chúng để kéo thành đường cong hay nối nhằm tăng sự lạ mắt cho chữ ký. Sau đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo:
* Sử dụng những yếu tố lặp lại: Một chữ ký có ba hình bầu dục lớn sẽ tạo ra hiệu ứng “tiếng vang” và giúp kết cấu của nó thêm phần chặt chẽ.
* Làm cho chữ cái viết hoa “ôm” lấy những mẫu tự còn lại: Đây là cách hiệu quả để tạo điểm nhấn nếu tên bạn không chứa chữ cái có nét móc dưới (g, j, v.v…).
* Bao quanh chữ ký bằng những đường cong: Điều này giúp chữ ký của bạn trông trang trọng hơn.
* Phóng to phần bụng của những chữ cái: Đây là cách thông dụng và đơn giản nhất bạn có thể dùng để nhấn nhá cho chữ ký của mình.
* Thêm số hay ký hiệu riêng vào chữ ký: Số áo của bạn trong đội bóng, một bản phác thảo đơn giản hay năm tốt nghiệp đều có thể trở thành biểu tượng đặc biệt. Nếu bạn được biết đến cùng với một con số cụ thể (có thể bạn nổi tiếng với vai trò nào đó trong đội tuyển thể thao) thì đây có thể là cách hay để tạo cho mình sự khác biệt với những người trùng tên khác. Gợi ý là bạn nên ký tên thật đơn giản để dành thời gian cho việc thêm thắt. Quá nhiều biểu tượng có thể làm cho chữ ký bị lấn át và khiến việc ký tên diễn ra lâu hơn bình thường.
3. Lựa chọn Chữ ký
* Kết hợp tất cả những yếu tố ưa thích vào trong một chữ ký: Hãy tìm những chi tiết trong chữ ký mà bạn thích. Hãy cân nhắc xem nên đưa cái gì vào và làm sao để nó phù hợp với cá tính của bạn. Khi luyện chữ ký, hãy nắn nót đến từng chi tiết và đường nét nhỏ cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng.
* Bạn nên biết như thế nào là phù hợp: Đừng chọn một chữ ký chỉ vì nó đẹp. Hãy sử dụng chữ ký vừa thể hiện được cá tính của mình lại vừa thực tế.
+ Chữ ký của bạn nên dễ viết và ký lại: Hãy chọn chữ ký đủ đơn giản với bản thân để bạn có thể tự tay ký lại nhanh chóng.
+ Chữ ký sẽ nói lên quan điểm cá nhân và phong cách của bạn: Nếu bạn muốn thể hiện khía cạnh lãng mạn, hãy ký tên thật bay bổng. Còn nếu muốn mọi người biết mình là người gọn gàng và ngăn nắp thì chữ ký của bạn nên phản ánh được điều đó.
+ Chữ ký được coi như một dấu hiệu nhận biết: Bạn không nên qua loa vài nét trên giấy – trừ khi sự nguệch ngoạc ấy là có tổ chức và lần nào cũng giống nhau. Hãy nhớ rằng chữ ký phải là độc quyền và người khác có thể nhận ra nó là của bạn.
* Hãy luyện tập chữ ký mới đến khi bạn có thể viết thật tự nhiên: Nên nhớ rằng dù bạn có thể thay đổi nó bất cứ lúc nào, nhưng đối với một số giấy tờ (bằng lái xe, hộ chiếu, thẻ tín dụng, hồ sơ ngân hàng) thì vấn đề này rất bất tiện. Đây là dấu hiệu để nhận biết nên trong một số trường hợp, bạn có thể làm dấy lên mối nghi ngờ nếu ký khác với chữ ký trước đó trên hồ sơ.
+ Đảm bảo rằng bạn có thể dễ dàng ký nhiều lần giống nhau: Dù chữ ký của bạn đẹp và phức tạp đến cỡ nào, nó cũng sẽ vô nghĩa nếu bạn không thể ký tên mình thật nhanh trên một văn bản mới. Khi tập luyện với chữ ký, hãy nghĩ về tính thực tế: cân nhắc xem bạn mất bao lâu cho một lần ký tên, bạn có cần dụng cụ đặc biệt nào để viết và liệu bạn có thể làm chúng giống hệt nhau không. Nếu gặp khó khăn trong việc tạo ra bản sao trong mỗi lần ký thì bạn nên nghĩ đến việc đơn giản hóa một chút về thiết kế chữ ký của mình.
+ Hãy nhớ rằng những điều này không áp dụng với chữ ký kĩ thuật số: Hầu hết văn bản điện tử-hồ sơ xin việc trực tuyến sẽ tự động lưu chữ ký cá nhân của bạn lại để dùng cho lần sau. Chỉ cần ký một lần là bạn đã có thể sao chép nó vào bất cứ văn bản nào trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ là một sự khôn ngoan nếu bạn giữ cho chữ ký điện tử tương tự với chữ ký viết tay của mình.
Cảnh báo
* Hãy cẩn thận mỗi lần bạn thay đổi chữ ký: Bạn sẽ rất vất vả để chứng minh bản thân khi chữ ký mới không khớp với giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, hồ sơ ngân hàng hay thậm chí thẻ thư viện của mình.
* Chữ ký chính thức của bạn không nên quá cầu kỳ: Phải viết một chữ ký phức tạp sẽ mất thời gian kinh khủng mỗi khi cần ký thẻ tín dụng mua hàng.
* Suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu ký nguệch ngoạc: Mặc dù cũng khá thú vị nếu lâu lâu bạn phá cách một chút, nhưng hãy cân nhắc cẩn thận xem liệu tình huống đó có phù hợp để tạo một chữ ký khó đọc hay không.
Nguần: http://www.wikihow.vn
Viết bình luận của bạn